- NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH
- Do vi khuẩn: Ba vi khuẩn gây bệnh chính là phế cầu, Hae. influenzae và B. catarrhalis sau đó mới đến các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu hoặc các vi khuẩn Gram(-)v.v.
- Do virus: Hay gặp nhất là virus hợp bào đường hô hấp (RSV) sau đó đến các loại khác như Adenovirus, virus cúm, á cúm v.v
- Các nguyên nhân ít gặp khác như:
+ Mycoplasma hay gặp NKHHCT ở trẻ trên 5 tuổi.
+ Pneumocystis carini thường gây bệnh trên các trẻ đẻ non suy dinh dưỡng nặng, nhiễm HIV hay các hội chứng suy giảm miễn dịch khác.
+ Chlamydia trachomatis và nấm….
- CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ
2.1. Trẻ đẻ ra có cân nặng thấp
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ chết do viêm phổi ở trẻ dưới 1 tuổi có cân nặng lúc sinh dưới 2500g là 26,4‰ trẻ sống, trong khi tỷ lệ này đối với trẻ có cân nặng lúc sinh trên 2500g là 6,8‰
2.2. Suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng cũng là yếu tố dễ mắc NKHHCT hơn ở trẻ bình thường và khi bị NKHHCT thì thời gian điều trị kéo dài hơn, tiên lượng xấu hơn
2.3. Trẻ không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ
Nguy cơ tử vong do viêm phổi ở trẻ không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ cao hơn so với trẻ được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ. Một nghiên cứu ở Brazin (1985) cho thấy: Nếu nguy cơ tương đối (RR) của tử vong do viêm phổi ở trẻ được nuôi bằng sữa mẹ là 1, thì ở trẻ được nuôi bằng sữa mẹ + sữa bò là 1,2 và trẻ chỉ được nuôi bằng sữa bò là 3,3
2.4. Ô nhiễm nội thất, khói bụi trong nhà
Sự ô nhiễm này làm ảnh hưởng đến hoạt động bảo vệ niêm mạc hô hấp, các lông rung, quá trình tiết chất nhầy cũng như hoạt động của các đại thực bào, sự sản sinh các globulin miễn dịch, do đó trẻ dễ bị NKHHCT.
2.5. Khói thuốc lá
Khói thuốc lá, thuốc lào cũng là một yếu tố gây ô nhiễm không khí rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Theo dõi hơn 1.500 trẻ em ở London, Leeder (1976) cho biết số mắc viêm phổi hàng năm ở trẻ em có bố mẹ không hút thuốc lá là 6,2%; Nếu có một người hút thì tỷ lệ tăng lên 9,7 %; Nếu cả bố và mẹ cùng hút, thì tỷ lệ này tăng lên đến 15,4%.
2.6. Thời tiết lạnh
Thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi gây NKHHCT ở trẻ em. Qua điều tra ở Bắc Kinh, Trung Quốc(1984) của Zhang Zijiang, Giao Limei cho thấy tỷ lệ trẻ em mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính tăng lên rõ rệt vào các tháng mùa đông (Biểu đồ 13.1). Ở Việt Nam, qua nghiên cứu của Viện Lao và bệnh phổi (1984) cho thấy trẻ thường dễ mắc bệnh không phải vào những lúc trời lạnh nhất (tháng 12, 1, 2) mà vào 2 thời điểm chuyển mùa thời tiết là tháng 4, tháng 5, tháng 9, tháng 10
2.7. Các yếu tố khác
Ngoài các yếu tố trên, nhà ở chật chội, thiếu vệ sinh, đời sống kinh tế thấp, thiếu vitamin A cũng là những điều kiện làm trẻ dễ mắc NKHHCT. Thiếu vitamin A làm giảm đáp ứng miễn dịch của cơ thể và giảm khả năng biệt hoá của các tổ chức biểu mô dễ gây sừng hoá niêm mạc, đặc biệt là niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hoá, do vậy trẻ dễ bị NKHHCT.
- PHÒNG BỆNH
Để giảm tỷ lệ tử vong và mắc bệnh NKHHCT ở trẻ em, cần tiến hành các biện pháp phòng bệnh sau:
– Làm tốt công tác quản lý thai nghén để đảm bảo trẻ không bị đẻ non, đẻ thấp cân. Tổ chức cuộc đẻ an toàn không để trẻ hít phải nước ối, không bị ngạt.
– Đảm bảo nuôi trẻ bằng sữa mẹ, cho trẻ bú mẹ sau khi đẻ càng sớm càng tốt, ăn sam một cách khoa học đảm bảo chế độ dinh dưỡng, đủ vitamin đặc biệt là vitamin A.
Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.
– Vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ. Nhà ở và lớp học của trẻ cần thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, không đun bếp trong nhà, không hút thuốc trong phòng trẻ.
– Giữ ấm cho trẻ về mùa đông và khi thay đổi thời tiết.
– Phát hiện sớm và xử lý đúng các trường hợp mắc bệnh NKHHCT theo phác đồ.
– Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ cho bà mẹ về cách phát hiện, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ khi bị NKHHCT
Nguồn bài viết: Bio4STOP